Trà sen - danh trà mang hương vị trác tuyệt của đất thủ đô, được nhiều người mến trà tâm đắc và tán thưởng hết lời.
Thức trà ấy, ngày xưa chỉ được dùng để tiến vua và được sử dụng bởi các quan lại, quý tộc quan trọng của triều đình.
Thức trà ấy, đã được đặc biệt tấn phong là thiên cổ đệ nhất trà.
Vậy thì, bởi đâu mà nên danh ấy?
Nguyên liệu tinh túy - Sen Bách Diệp Tây Hồ.
Trước hết, sự trân quý đến từ những nguyên liệu được tinh chọn.
Đầu tiên, sen ướp là Sen Bách Diệp hay còn gọi là sen trăm cánh, nổi tiếng với bông to, thơm đượm và lâu, gạo sen mẩy.
Ở Việt Nam đâu đâu cũng có sen, nhưng có lẽ là do điều kiện thổ nhưỡng nên sen Hồ Tây thường có hương thơm đượm hơn so với sen từ các vùng khác, khiến Hà Nội không trồng trà nhưng vì có loại sen đặc biệt như vậy nên mặc định trà sen là đặc sản Hà Nội. Tuy nhiên, tiếc là sen Tây Hồ ngày càng ít do thời tiết mưa nhiều cùng việc diện tích ao hồ ngày càng bị thu hẹp.
Nguyên liệu tinh túy - Trà tuyển chọn.
Thứ nữa, chè được dùng để ướp phải là thứ trà cánh nhỏ, thẩm hương vừa độ. Dòng trà phổ biến được lựa chọn là trà xanh Tân Cương, Thái Nguyên hoặc trà Shan cổ thụ từ miền núi cao Tây Bắc.
Sự kỳ công trong từng công đoạn.
Tiếp nữa, trà ấy quý bởi sự công phu trong từng giai đoạn làm trà. Cái quan trọng của người làm trà sen là tâm phải tịnh, thân thể phải thật thơm tho, sạch sẽ và cái tính tỉ mỉ. Cần điều ấy là bởi các công đoạn làm trà hết sức cầu kỳ và hoàn toàn thủ công, từ việc tính toán thời điểm hái sen mới chớm nở vào sáng sớm, sự cẩn thận khi tách lấy gạo sen mà còn trắng, không nát và không mất mùi hương, đến sự dày công trong từng lần ướp hương. Có thể kể đến như để ướp trà sen gạo, phải qua một lần ngậm hoa, bảy lần gạo, bảy lần sấy mới tạo nên được sản phẩm trà sen truyền thống đúng “gốc” Tây Hồ.
Chính sự giới hạn về nguyên liệu và quá trình chế biến tốn nhiều thời gian là vậy nên số lượng trà làm ra không nhiều, dù rằng người sành trà nao nức lùng mua và sẵn sàng trả 2-3 chỉ vàng cho một cân trà sen. Cho nên, có cơ hội sở hữu và thưởng thức trà sen cũng là một cái duyên, bởi sự xuất hiện của phẩm trà ấy nào có chịu tác động bởi quy luật cung cầu của thị trường.
Sắc hương thanh khiết nhớ mãi không quên.
Thêm vào đó, người đã một lần thưởng trà sen thì khó mà quên được cái sắc hương vị thanh tao mà lưu luyến khôn tả ấy. Nhìn áng nước vàng trong ánh xanh toả hương thơm thanh dịu mà tĩnh lặng, nếm cái vị chát nhẹ nơi đầu lưỡi để cuối cùng ngọt êm trong cuống họng, trong khi hương sen thanh khiết lan tỏa khắp chốn. Từng giác quan đều được chiều chuộng bởi sự tinh tế và thanh sạch của đất, trời, non, nước. Càng thẩm trà, càng thấu tỏ cái tiêu chuẩn khắt khe “ngon mắt – ngon mũi – ngon miệng” đủ đầy trong văn hóa ẩm thực của người Tràng An.
Sự ẩn hàm văn hóa Việt.
Và hơn tất thảy, thức trà ấy là một phần của văn hóa Việt. Trong dòng trà ướp hoa, trà sen được đánh giá là loại trà lâu đời nhất, là một trong những loại trà đại diện của văn hóa trà Việt Nam, đóng góp vào nền văn hóa trà thế giới. Phẩm trà ấy mang ý nghĩa đại diện cho nhiều triết lý sâu xa, của lòng tôn kính và lịch sự. Hơn thế, việc duy trì trồng và sản xuất trà sen còn là hình thức lưu giữ tinh hoa của làng nghề truyền thống, cũng như truyền bá nét văn hóa đến người đời sau.
Kết.
Càng tìm hiểu sâu xa, ta càng nể trọng những con người hào hoa của đất kinh kỳ, những người sẵn sàng bỏ ra nhiều thì giờ, tâm huyết để làm ra và thưởng thức một chén trà ngon.
Một chén trà sen ấy, mang tinh túy trời đất, tấm lòng trà nhân, văn hóa truyền đời, tất cả xin gửi gắm đến người phẩm thưởng.